Bạn biết vì sao tôi không thích nghe hay nói hai từ “chữa lành”?
Vì nghe như một cuộc chạy trốn.
Làm sao bạn có thể chữa cho tâm trí mình lành lặn, rũ hết tổn thương, nếu trước đó không biết được mình bị thương ở đâu, cấp độ mấy?
Rồi làm sao bạn chữa lành nếu không biết mình nên dùng loại “thuốc” nào cho đúng, cho hợp với vết thương lòng kia? đâu phải vết đau nào cũng giống nhau.
Hãy nghĩ tâm trí cũng như cơ thể.
Bị đau trầy xước ở đâu, thương tổn ở đâu, trước tiên ta phải thấy được chỗ đau đã. Sau đó phải trải qua giai đoạn bị sốc, rồi chấp nhận, nhìn kỹ lại vết thương và tìm cách chửa cho nó hết đau.
Elisabeth Kübler cho rằng con người luôn sẽ đi qua 5 giai đoạn đau buồn để đến bước hóa giải nó:
GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN: CHỐI BỎ
Chối bỏ là một trong các cơ chế phòng vệ thường thấy ở con người. Khi nguồn cơn của nỗi đau tinh thần xuất hiện: mất mát, bệnh tật, áp lực, thương tổn… chúng ta thường có xu hướng chối bỏ điều vừa mới xảy ra đó.
Bộ não bị căng thẳng đến một mức độ nào đó sẽ chọn cách từ chối tiếp nhận thông tin vừa đến. Chúng ta tránh nói về điều đã đến, chọn cách tìm quên trong những thú vui khác như công việc, chơi bời hoặc một mối quan hệ khác. Có người thậm chí còn quên tạm thời một cách vô thức hoặc có ý thức.
Với biện pháp phòng vệ này, cơ thể và tâm trí sẽ cảm thấy dễ dàng, dễ chịu hơn. Bởi nếu đối diện sẽ hết sức đau đớn và khói khăn.
GIAI ĐOẠN THỨ HAI: GIẬN DỮ
Khi giai đoạn chối bỏ mờ nhạt dần, thực tại khó khăn bắt đầu rõ ràng hơn, nỗi đau theo đó cũng quay trở lại, lớn dần như nó vốn có. Tuy nhiên tâm trí ta lại chưa sẵn sàng. Những cơn sóng cảm xúc dữ dội trào dâng trong ta, sẽ tự động chuyển hương thành sự giận dữ.
Chúng ta giận dữ vì mình bất lực, vì mình đã chẳng thể làm gì trước bệnh tật, mất mát và những cảm xúc tiêu cực đang đeo bám chúng ta. Giận dữ là bước thứ hai cũng là cách để chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn giả tạo của cơ chế phòng vệ ở trên, mà bắt đầu thể hiện cảm xúc của mình, một cách bản năng, không ngại phán xét từ người khác.
GIAI ĐOẠN BA: THƯƠNG LƯỢNG VỚI BẢN THÂN
Qua đoạn giận dữ, chúng ta bắt đầu tìm cách thương lượng với bản thân. Bằng cách tự hỏi hàng trăm câu hỏi “nếu”: nếu lúc đó mình xuất hiện sớm hơn, nếu mình yêu và nói ra, nếu mình đi khám sớm hơn, nếu mình làm tốt việc đó hơn… Đây là hành động giúp ta có được cảm giác lấy lại sự kiểm soát với tình huống khó khăn đang xảy ra. Cũng có thể xem là cái phao ta nương tựa vào để có thể giảm thiểu nỗi đau tinh thần.
Cuối giai đoạn thương lượng, thường đi kèm với cảm giác dằn vặt vì ta bắt đầu nhận ra mình chẳng thể làm gì để thay đổi được hiện tại. Chúng ta bắt đầu suy sụp, đau đớn và chìm trong hối tiếc để chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo.
GIAI ĐOẠN THỨ TƯ: THOÁI TRÀO
Không còn bừng bừng lửa giận, cũng không còn tự trách mình đến tận cùng, lúc này, tâm trí sẽ lắng lại, buộc ta nhìn thẳng vào thực tế. Chúng ta rõ ràng nhận ra mình không thể thay đổi hiện tại, cũng chẳng thể thương lượng với bản thân, giận dữ cũng không đem lại kết quả gì. Cảm giác mất mát, đau đớn nguyên gốc ở giai đoạn này hiện hữu rõ ràng, chân thực và to lớn như nó vốn phải như thế.
Khi nỗi đau lớn lên, bao trùm lấy tâm trí, lớn hơn mọi nỗ lực ta có thể làm, chúng ta thường có xu hướng thu mình lại vì cảm thấy không thể vùng vẫy bằng bất kỳ cách nào. Biểu hiện của giai đoạn này là hiện tượng thoái lui, tự cô lập, ít tiếp cận với người xung quanh, không cỏn hứng thú với các hoạt động yêu thích thường ngày, trầm buồn ảm đạm. Tuy là một trong các giai đoạn tự nhiên của đau buồn, nhưng giai đoạn thứ tư này chính là thời điểm một người dễ lâm vào trầm cảm nhất bởi đó là lúc tâm trí một người yếu ớt, nhỏ nhoi nhất.
GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG: CHẤP NHẬN
Cuối cùng chúng ta hoàn toàn tin rằng mình không thể làm gì để thay đổi quá khứ hay hiện tại. Sự buồn bã hối tiếc vẫn tiếp tục kéo dài. Các biểu hiện của chối bỏ, giận dữ, thương lượng hay thoái lui, cô lập sẽ ít dần. Tâm trí trải qua thời gian được xoa dịu bằng nhiều cách giải tỏa khác nhau, sẽ có dần sức phục hồi. Ta bắt đầu tình táo hơn, can đảm nhìn vào nỗi đau của mình và từng bước thoát ra khỏi những suy nghĩ đau thương. Bởi ta hiểu rằng mình phải tiếp tục sống, phía trước còn cả một hành trình dài để thật sự vượt qua.
Giai đoạn chấp nhận này tuy có thể xem là một món quà quý giá, giúp chúng ta vực dậy và tiếp bước. Nhưng cũng tiềm tàng nhiều rủi ro. Ai đó nếu đang trong giai đoạn chấp nhận và lại tiếp tục nhận thêm một cú sốc tinh thần, dù nhỏ đến đâu, cũng có thể tăng gấp đôi gấp ba liều lượng tiêu cực cho toàn bộ quy trình vừa diễn ra. Rất có thể một quyết định tiêu cực sẽ xảy đến.
Không ai nói được nỗi đau nào là lớn hơn, bởi mỗi người có ngưỡng chịu đựng khác nhau. Bạn có thể trải qua hoặc không trải qua đầy đủ các giai đoạn kể trên, hoặc có thể bước qua chúng không theo trình tự nhất định. Cũng chẳng thể biết được mình sẽ ở trong từng giai đoạn bao nhiêu lâu. Tùy vào nhận thức, sức hồi phục của tinh thần và cách chúng ta chọn đối diện chấp nhận vấn đề.
Bạn thấy đó, về lý thuyết lẫn thực tế, vượt qua biến cố tinh thần hay một tình huống rối ren gây xáo trộn cảm xúc không phải dễ dàng, không phải ai cũng có thể làm được.
Cho nên, nếu ai đó nói chỉ một chuyến đi có thể “chữa lành” tâm hồn, tôi cho đó là phiến diện, chủ quan và đã quá xem nhẹ sức nặng của tâm trí.
Bạn có thể chọn đi xa, đến một nơi nào đó ít vắng người, yên tĩnh, hòa mình cùng thiên nhiên, như Cao Lan Hamlet. Những phải chấp nhận một sự thật là, đi đến đó hay bất kỳ nơi nào khác, chỉ là ta đang tự tìm cách để CHẤP NHẬN SỰ THẬT, CHẤP NHẬN THỰC TẾ ĐANG DIỄN RA, cũng tức là giúp bản thân đi dần đến bước cuối cung của nhìn nhận nỗi đau – giai đoạn chấp nhận.
Giả sử bạn có may mắn làm được, và đạt thành công ở giai đoạn nhìn nhận này, sẽ còn rất nhiều bước phía sau để tiếp tục làm, mới mong khiến vết thương lòng lành lặn.
Và kể cả nó có lành, tận lâu sau đó, chỉ cần nhác thấy một bóng hình, một mùi hương, hồi hãi mã và thùy trán trước, nơi lưu trữ ký ức và cảm xúc gắn liền với ký ức, trong não lập tức khiến bạn nhớ quay quắt ký ức đã khiến mình đau khổ ngày hôm nay.
Cho nên, sẽ tốt hơn nếu ta hiểu MỘT CHUYẾN ĐI CHỈ LÀ SỰ KHỞI ĐẦU CỦA HÀNH TRÌNH CHẤP NHẬN CẢM XÚC. Nếu kỳ vọng điều gì lớn lao hơn, có thể bạn sẽ thấy thất vọng nhiều. Và điều đó là không nên.