Không có chánh niệm nào giúp được mình, trừ bản thân
Nói điều này ra chắc sẽ gặp nhiều chỉ trích. Tôi vốn không tin lắm vào tác dụng của các biện pháp tập luyện chánh niệm. Thay vào đó, luôn cho rằng tâm trí mỗi người bản thân đều có mức độ “đề kháng” và “khả năng tự hồi phục” nhất định. Nếu thường xuyên trau dồi thông qua đối diện với thực tế, suy nghĩ tích cực, tự ta sẽ có được sức khỏe tinh thần, mà không cần nhờ đến bất kỳ phương pháp tập luyện nào.
Thực tế có quá nhiều lớp học thiền, khóa yoga hay nhan nhản các bài viết cao siêu về “chữa lành” cũng khiến tôi bội thực. Lại càng tin vào định kiến của mình hơn. Tôi cho rằng không ít người đã lợi dụng những khái niệm này để đánh bóng bản thân hoặc cho một mục đích kinh doanh cá nhân nào đó. Khi một ai đó đã thật sự hiểu được mình, trải qua đủ nhiều thứ trong cuộc sống, tin vào bản thân và những gì mình đang có, tự ta sẽ có cách bình tâm, tìm thấy hạnh phúc.
- Như Krytyna Skarzyska, một nhà tâm lý học tôi yêu thích có nói trong một bài luận của mình “Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc nhiều vào việc xung quanh chúng ta có bao nhiêu người thật sự thấu hiểu chúng ta”. Nghe có vẻ khá dựa dẫm. Nhưng nhìn lại những gì đi qua, thấy nó đúng các bạn ạ. “Bao nhiêu người thật sự thấu hiểu” đang nói đến ở đây, có bao gồm cả bản thân. Nghĩa là việc bạn thấu hiểu chính mình cũng góp một phần rất quan trọng vào việc tăng chất lượng cuộc sống.
- Tôi cũng có đọc qua một số nghiên cứu của tác giả Maria Jarymowicz (cùng cộng sự) dẫn đến kết luận: những người hiểu được người khác đúng đắn nhất chính là người có khả năng đánh giá tích cực, trung thực về bản thân mình. Có thể hiểu là nếu bạn thật lòng, thật tâm hiểu được mình, chấp nhận ưu điểm khiếm khuyết của bản thân một cách chân thành, phần nhiều, bạn có thể nhạy cảm hơn với nhu cầu và vấn đề người khác đang gặp phải, dẫn đến thấu hiểu tốt hơn người xung quanh.
Hai quan điểm này thật ra chỉ cùng một ý chí:
— Làm người trước tiên phải hiểu được chính bản thân mình. Rồi từ đó mới hiểu người khác, được người khác thấu hiểu và tìm thấy hạnh phúc —
Những gì bạn nghe thấy mỗi ngày, các thuật ngữ chuyên môn tôi vừa kể ở trên, tất cả đều là những con đường, cách thức khác nhau dẫn đến mục tiêu ý chí cuối cùng này.
Cho nên, nếu chọn con đường phức tạp, chọn con đường đơn giản, tối giản, đều được, miễn là phù hợp, miễn là bạn thích.
Vì những lý do trên, cộng với niềm tin vào bản thân, tôi chọn không đi theo bất kỳ phương thức chánh niệm nào. Tôi nỗ lực tìm ra cách để làm tâm thức mình tĩnh như mặt hồ. Khi có trong tay một “mặt hồ” hoàn toàn yên tĩnh, không gợn sóng, tôi bắt đầu nghe được tiếng gió vi vu, chim hót líu lo, lá xanh xào xạc và muôn vàn âm thanh quyến rũ của đất trời. Còn nghe được cả tiếng trái tim, tâm trí trong thực tại, cùng những gì ký ức vui vẻ khó quên.
Hai thứ lớn lao tôi tìm kiếm trong đời không gì khác ngoài tự do và hạnh phúc. Tôi yêu quý những ngày được thức dậy vào sáng tinh sương, nghĩ về hạnh phúc, kết thúc một ngày bằng cảm giác khoan khoái tự do. Tôi yêu cảm giác mỗi ngày được là chính mình, được là vai chính trong bộ phim cuộc đời mình.
Nhưng đời không như mơ…
Thực tế phũ phàng là việc nghe tưởng chừng đơn giản như vậy, đôi khi lại rất khó khăn. Nhất là khi bạn đang phải trải qua giai đoạn bận rộn, phiền nhiễu tâm trí hoặc xảy ra chuyện không như ý.
Có một nguyên tắc tâm lý khá hay như vầy, bạn có thể áp dụng nếu thích: niềm vui thì nên tìm cách chia ra, thưởng thức từ từ. Nỗi buồn, niềm đau thì nên gộp lại, đưa nó lên đỉnh điểm và giải quyết một lần cho xong. Áp vào trường hợp nếu có lúc nào đó không còn nhận ra được chính mình vì những nhiễu nhương hay lo lắng, hay stress gì đó, thì làm sao? Cùng công thức trên, ta cố gắng gạt qua hết mọi chuyện, bỏ đi xa xa một chút, để gặm nhắm nỗi buồn đau đang có, cho đến tận cùng. Muốn khóc, muốn la, đập phá, chạy đến kiệt sức… cứ làm. Thỏa sức như vậy, ở một nơi xa xa, không ai biết đến mình, cho đủ đầy đau đớn, rồi thì sẽ có cơ hội quên sự không hay đó nhanh hơn.
Bạn thử đi. Tôi đã từng trải và thấy nó hiệu nghiệm vô cùng. Hơn nhiều lần so với các cách thức khiên cưỡng như thiền chẳng hạn. Đúng là nó hiệu quả với một số người, nhưng chắc chắn không phải là tất cả.
Tôi chọn đến đây, bạn chọn về đâu?
Một trong những nơi tôi chọn đến, ít nhất sau mỗi quý trong năm, khi thấy đầu óc mình lâm vào bão hòa, không còn nhớ ra bản thân muốn gì, hay không còn thấy vui nữa, phải là nơi cực yên tĩnh, cực thoải mái nhẹ nhàng. Một nơi giúp tôi kết nối thiên nhiên, giúp tôi sạc pin năng lượng và nhẹ nhàng tâm sự với chính mình.
Như CAO LAN HAMLET, nghỉ dưỡng nằm khuất sau dãy núi xa xăm B’Lao, Lâm Đồng.
Ở đó, tôi như chèo thuyền độc mộc trôi giữa mặt hồ tròn, để tâm trí nghỉ ngơi, để ngắm nhìn đất trời bảng lảng mây trôi và cứ thế suy nghĩ về chuyện khiến mình phiền lòng. Cho đến khi nào hết suy nghĩ được thì thôi.
Ở đó, tôi cũng lười lắm. Có ngày thức dậy đã là trưa. Tản bộ xuống nhà hàng của nơi ở, đi qua đi lại xem đầu bếp nấu ăn. Rồi nhăm nhi tí bánh lành mạnh, uống ly nước ép không đường. Rồi ra bờ hồ nằm ườn ở đó, ngắm các bạn trẻ tham gia lớp thiền, một trong các hoạt động thường nhật tại đây. Xong ngắm mây trời trên đường đi về phòng, kết thúc ngày bằng một tách trà nóng hổi nghe gió vi vu trên đồi mát lạnh hai tay.
Chỉ vậy thôi. Nhưng tôi thật sự tách biệt với đời sống mỗi ngày của mình. Và tôi có thời gian nói chuyện với chính mình, để hiểu mình hơn “Bạn ơi bạn đang gặp chuyện gì”, “sao chúng ta lại buồn”, “chúng ta giờ nên làm thế nào”. Mình thường hay đi cho người này người kia lời khuyên, vậy mà kiệm lời đến cùng với bản thân. Lên đây, tôi có thời gian để làm tất cả những chuyện tôi không thể làm ở thành phố huyên náo dưới kia.
Tôi không định quảng cáo gì cho Cao Lan Hamlet. Bạn thích chọn đi đâu tùy thích. Còn nếu có ý giống tôi, cứ google search sẽ ra đường đi. Sao cũng được, miễn là dành cho mình đủ thời gian chất lượng, đối xử với bản thân tốt hơn. Hiểu mình rồi thì sẽ hiểu người khác và sẽ thấy đời sống ý nghĩa hơn, bạn nhé.